Lễ hội Doi truyền thống của người Mường Phú Thọ
Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014
Bao đời nay, người Mường Thu Cúc vẫn sống dựa chủ yếu vào nghề trồng lúa. Cây lúa là cây lương thực chính nuôi sống người Mường, là hoạt động kinh tế chủ yếu nên được bà con đặc biệt coi trọng, tôn sùng và thần thánh hóa. Đây chính là cơ sở để hình thành nên tín ngưỡng thờ vía lúa cũng như hệ thống những nghi lễ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Muốn mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ, dân bản phải tổ chức “rước vía lúa”.
Đầu xuân, tiết trời se lạnh, sương núi giăng giăng bao phủ núi rừng Thu Cúc (Tân Sơn) trong tấm màn sương trắng bàng bạc. Không khí lễ hội Phú Thọ đã rạng ngời trên nét mặt của đồng bào các dân tộc nô nức đổ về khu trung tâm xã tham dự ngày tết Doi truyền thống vào mùng 7 tháng giêng lần đầu tiên được UBND huyện phục dựng lại lễ gọi vía lúa lồng ghép với ngày hội văn hóa các dân tộc xã Thu Cúc…
Lễ hội Doi truyền thống của người Mường Phú Thọ |
Theo người già kể lại, thời xưa ở mường Cúc có người con gái thông minh, nhanh nhẹn, giỏi nghề nông, xinh đẹp nức tiếng cả vùng. Năm đó, khô hạn kéo dài, đồng ruộng cạn kiệt, cây lúa héo rũ trên ruộng đồng nứt nẻ. Dân bản chìm trong thiếu đói. Thương làng bản, cô gái đã tình nguyện lên đường tìm giống lúa, vía lúa. Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, cô đã tìm được giống lúa, gọi mời được vía lúa từ mường Cang Ó, Cun U Lang Theng về đến cửa Mường thì bị hãm hại chỉ còn lại đôi dép và bó lúa quý hiếm. Từ bó lúa giống đó, ruộng đồng của người mường Cúc lại xanh tươi, sai bông trĩu hạt. Ghi nhớ công ơn của người con gái ấy, dân làng đã lập miếu thờ và gọi nàng là Nàng Cúc. Trong các lễ rước vía lúa, dân bản và thầy mo vẫn đến miếu Nàng Cúc xin vía lúa về chia cho các chòm xóm lấy phước cầu may.
Tham khảo thêm >>> Hội đền Mẫu Âu Cơ - lễ hội Phú Thọ nổi tiếng
Sáng sớm, đoàn rước do thầy mo dẫn đầu với chiêng, trống, tiếng chàm đuống rộn rã mang theo lễ vật tiến về miếu thờ nơi Cửa Mường xin vía lúa với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách du lịch lễ hội Phú Thọ. Vía lúa được xin về, qua địa phận xóm nào bà con cũng lập bàn thờ, chàm đuống, diễn xướng dân gian rộn ràng ven đường chào mừng vía lúa về mường. Bó lúa giống mang vía thiêng được đưa về khu trung tâm làm lễ với các lễ vật là sản phẩm của nhà nông: Bánh nếp, thịt trâu, xôi… rồi chia cho từng khu dân cư lấy may.
Người Mường Thu Cúc có tết Doi – lễ hội truyền thống tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng, sau tết này mọi người sẽ tập trung xuống đồng lao động sản xuất. Như vậy, bên cạnh niềm tin vào vía lúa, từ xưa, bà con nơi đây đã đặc biệt coi trọng tính chuyên cần, kỹ thuật, thời vụ trong sản xuất nông nghiệp để có được một mùa vụ thắng lợi. Giữa trưa, trời hửng nắng. Vía lúa thiêng đã về từng xóm bản trong tiếng đuống rộn ràng, lời ca mượt mà chào đón mang theo hi vọng một vụ mùa bội thu lại về với người dân mường Cúc.
Rước vía lúa là lễ hội truyền thống thể hiện khát vọng của người Mường Thu Cúc về một vụ mùa bội thu, cuộc sống thanh bình sung túc. Mùa lễ hội Phú Thọ trên bản Mường được huyện Tân Sơn khôi phục tổ chức rước vía lúa quy mô vào đúng dịp tết Doi truyền thống gắn với Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Thu Cúc với nhiều hoạt động lễ hội văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng mừng xuân đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân quanh vùng.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét