Hội đền Mẫu Âu Cơ - lễ hội Phú Thọ nổi tiếng
Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014
Dân tộc Việt Nam có bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Trong tâm linh và tình cảm, mỗi người dân đều có đức tin đồng bào mà cha là Lạc Long Quân, mẹ là Âu Cơ và các vua Hùng là những người có công dựng nước, được toàn dân tộc phụng thờ, tri ân. Từ thờ cúng tổ tiên của từng gia đình đến giỗ Tổ Hùng Vương là một tín ngưỡng thiêng liêng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn các bậc tiền nhân có công dựng nước.
Trải qua quá trình lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển mạnh từ rất lâu trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428 - 1788), sau đó, các triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì lễ hội đền Hùng. Nhà nước phong kiến liên tục sắc phong cho các đền thờ Vua Hùng tại Phú Thọ, pháp điển hóa nghi thức thờ cúng với sự tham gia của cộng đồng. Nếu như cả nước có đến 1.417 đền thờ Vua Hùng cùng vợ con, tướng lĩnh của Người, thì ở địa bàn Phú Thọ có 178 đình, đền, miếu thờ tự tổ tiên của dân tộc ở 122 thôn, làng, khu dân cư thuộc 81 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thành, thị. Chính từ giá trị nhân văn độc đáo và sức sống trường tồn của lễ hội đền Hùng nên UNESCO đã vinh danh đó là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đền Mẫu Âu Cơ - Phú Thọ |
Không nằm ngoài chương trình giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội đền và tục thờ Âu Cơ còn liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu rất phổ biến ở Việt Nam. Điều đó càng tạo nên sự thiêng liêng của Đền Âu Cơ và lễ hội Đền Mẫu ở Hiền Lương - Hạ Hòa. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng chục vạn đồng bào và du khách đến thăm viếng, thờ cúng và tham gia các hoạt động văn hóa. Nếu tính chung cả năm, có tới triệu lượt du khách về Hiền Lương cũng như đến với các lễ hội đền Nghè, đình Đông xã Văn Lang, thăm thắng cảnh Ao Giời, Suối Tiên, đầm Ao Châu… ở Hạ Hòa.
Tự hào thay, từ buổi bình minh của lịch sử, trong hành trình đưa 49 người con cùng được sinh ra từ bọc trăm trứng lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở tranh Hiền Lương huyện Hạ Hòa có ba bề sông nước uốn quanh, lung linh bóng núi, đất đai màu mỡ, cỏ cây hoa lá tốt tươi, là nơi hội tụ của cá chim, muông thú. Bà cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú. Rồi ngày 25 tháng chạp, bà cùng các tiên nữ về trời, để lại ơn đức cao dày, tình mẹ bao la. Về sau, tại đây, nhân dân đã dựng lên ngôi miếu phụng thờ, đời đời hương khói và được các triều đại phong kiến phong sắc, cho tu bổ trở thành đền thờ Tổ Mẫu; năm 1991 được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đã từ rất lâu, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức trong ba ngày, bắt đầu từ mùng 5 tháng giêng âm lịch và lễ chính được tổ chức trong ngày “tiên giáng” mùng 7. Ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác như 12 tháng ba, 13 tháng tám, ngày “tiên thăng” 25 tháng chạp.
Mở đầu cho các lễ hội ở Phú Thọ, đặc biệt là Lễ hội Đền Hùng tôn vinh và đón nhận bằng công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, năm nay, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được huyện Hạ Hòa tổ chức trong 2 ngày mùng 6, mùng 7 tháng giêng. 8h sáng ngày mùng 6 tháng giêng sẽ tổ chức khai hội, sau đó diễn ra các hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi, giải trí đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường THPT cử 1 đội bóng chuyền nam, 1 đội kéo co, 1 đội cờ tướng, 1 đội bắn nỏ, 1 đội đẩy gậy để tranh tài thể thao; thực hiện 1 chương trình văn nghệ thời lượng từ 15-20 phút để tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng toàn huyện. Phần lễ diễn ra từ 8h sáng mùng 7 tháng giêng với hai nội dung chính là rước kiệu từ UBND xã Hiền Lương vào đền Mẫu và tế Mẫu (do nữ sinh Trường THPT Xuân Áng thực hiện). Đây là nội dung rất đặc sắc, được tiến hành theo đúng nghi lễ truyền thống, kết hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu, đậm nét tâm linh và đặc trưng văn hóa Việt.
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ - Phú Thọ |
Việc tổ chức Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ nhằm tiếp tục giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, xây dựng đời sống văn hóa; duy trì và nâng cao giá trị nhân văn lễ hội Phú Thọ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với tất cả lòng thành kính, sự hiếu khách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hạ Hòa mong được đón đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài và du khách quốc tế đến với Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Lễ hội mở đầu mùa xuân lễ hội của Phú Thọ; đến với đất nước và con người một vùng trung du biết bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giầu bản sắc.
>>> Xem thêm: Lễ hội đình Khoang
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét